THÔNG TIN SƯU TẦM

Sống chậm giữa Covid-19


Tôi đã từng vô cùng ấm ức vì không được đi học offline và đến California ăn phở cùng vài bạn thân.

(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)

Tác giả Khải Đơn là nhà văn, đang sống ở TP HCM.

Bạn có thể vừa kết thúc học phần cuối cùng và sắp bước ra trường. Bạn cũng có thể vừa kết thúc lớp 12 và chuẩn bị vào đại học. Bạn có thể chuẩn bị cho học kỳ mùa thu ở châu Âu hay Mỹ, và dịch bệnh chen ngang.

Vài tháng vừa qua là cuộc vật lộn. Bạn sẽ cực kỳ khó tìm việc làm với tấm bằng tốt nghiệp trong tay. Ước mơ ra trường, trở thành người làm việc chuyên nghiệp, kiếm tháng lương đầu tiên đỡ dần cha mẹ có thể đã tan thành bọt nước. Bạn nhận ra hàng ngàn người quanh mình bị cắt giảm giờ làm, mất việc, giảm thu nhập, trở thành thất nghiệp vô thời hạn. Bạn sắp bước vào hàng ngũ đó, với hơn 30 triệu con người bị giảm lương hoặc ảnh hưởng vì Covid-19.

Bạn có thể đã nhận thư vào học bậc cao hơn ở Mỹ, Anh, Úc, và thình lình trường đại học thông báo bạn sẽ học online, ở lại nhà, không đi đâu cả. Bạn có thể dời lại chương trình học một năm, hoặc ngồi cả ngày bên chiếc máy tính, mơ tưởng về khung trời cao học và quốc gia từng mơ ước đến. Tôi đã ở trong khoảnh khắc mắc kẹt đó, khi trường đại học chuyển hoàn toàn lên online, và học kỳ mùa thu sẽ diễn ra... trên internet.

Bạn có thể vừa tốt nghiệp cấp III, và ao ước có được "thời sinh viên" như trong truyện với bao giấc mơ và kỳ vọng to lớn. Vậy mà trường đại học có thể đóng cửa, có thể tạm dừng chương trình học.... hay chính kỳ thi tốt nghiệp cũng đang bấp bênh trước mặt cho bậc cha chú bàn xem có nên thi không.

Tồn tại ở kỷ nguyên bất định chưa từng có, chắc hẳn chúng ta là nạn nhân?

Xin đừng nghĩ mình xui, mình là nạn nhân hay vừa rơi vào bi kịch. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, tôi còn nhớ khi ấy mình chuẩn bị ra trường. Mỗi bữa ăn ngoài tiệm đều tăng giá liên tục, lạm phát trầm trọng. Có tháng tôi không còn chút tiền nào để sinh tồn và không đủ can đảm xin tiếp tiền của mẹ. Tôi đi làm đủ việc, dịch tài liệu, dạy học thêm...

Mỗi đồng tiền làm ra khiến tôi có thêm bữa ăn sau giờ tan học. Tôi vẫn còn nhớ mình và bạn cùng phòng trọ ra tiệm hủ tiếu gõ đầu đường. Tôi móc túi và thở phào vì xấp tiền dạy thêm mình vừa được nhận. Gánh nặng lúc đó vơi đi vì bụng bớt đói, chứ tôi không bao giờ biết tất cả mớ kỹ năng đó sẽ giúp hành trình trở thành người viết chuyên nghiệp của mình đỡ vất vả hơn nhiều. Tôi học viết theo tốc độ của người thuê yêu cầu. Học chỉnh sửa văn bản theo ý khách hàng. Thậm chí học điều chỉnh bài giảng theo gia đình em học sinh muốn. Mọi thứ sau này, tôi đem vào xài cho đời chuyên nghiệp, không thừa miếng nào cả.

Nếu bạn ra trường và thất nghiệp, cầm bằng đại học đi khắp nơi không thể xin nổi việc, đừng nghĩ bạn là nạn nhân. Hãy chấp nhận làm công việc ít tiền hơn, xa rời chuyên môn một chút. Hãy học thêm những giờ học mới trên mạng sau giờ làm. Hãy cho mình cơ hội mở rộng khả năng dù tiền không được nhiều như mong đợi. Học cách điều chỉnh kỳ vọng vào mức lương ngàn đô hay chục triệu như thời kinh tế hưng thịnh, để sinh tồn qua thời buộc bụng khó khăn.

Cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc. Khi thế giới có vaccine hoặc tìm ra cách điều chỉnh hoạt động để sống chung với virus, các công ty, tập đoàn sẽ lại cần người làm việc. Hãy sẵn sàng làm chuyên môn giỏi, biết nhiều kỹ năng, hãy đủ mạnh để làm bộ hồ sơ hấp dẫn và bản thân bạn khiến người tuyển dụng kỳ vọng.

Sẽ có hàng triệu lao động khác cũng nhảy vào thị trường việc làm khi ấy, bạn có gì hơn để được tuyển? Vậy thì, hãy coi khoảnh khắc kiệt quệ này của thế giới là lúc bạn "ngủ đông" cho cuộc chiến trường kỳ sắp tới. Bạn sẽ làm để sinh tồn, sống để học, và trở nên giỏi và sắc bén hơn những đồng nghiệp cùng lứa khác.

Có thể khi nhìn lại, bạn sẽ không ngờ rằng thế hệ sinh ra trong khó khăn kiệt quệ lại là những người có sức bật mạnh mẽ nhất để đón nhận cơ hội tới kịp thời. Những người trẻ thất nghiệp và bị dọn khỏi văn phòng ở Bangkok trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã trở thành giới buôn bán cho du khách ở chợ Chak Tu Chak nổi tiếng. Họ nói tiếng Anh thuần thục, phục vụ du khách chuyên nghiệp. Họ bán hàng ăn sạch sẽ vệ sinh. Họ biết báo giá chuyên nghiệp và trình bày đồ ăn thay đổi theo từng xu hướng. Họ chính là thế hệ văn phòng có học thức và bị khủng hoảng tài chính đẩy ra đường. Và họ thành đạt trong nền du lịch Thái trỗi dậy sau đó.

Nếu bạn sắp du học, hãy kiên nhẫn chờ đợi kỳ học mới bắt đầu. Có thể nó bắt đầu bằng cách dạy ta phải trở thành người học hành linh hoạt, sẵn sàng đón nhận mọi hình thức giảng dạy mới, và sẵn sàng học tốt nhất trên mọi nền tảng. Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản đều sẽ chờ bạn đến khám phá – khi thế giới quay lại nhịp đập cũ.

Tôi biết kỳ học này tại Mỹ của mình sẽ diễn ra trên mạng. Khoảng hai tháng trước tôi vô cùng ấm ức vì không được đi học offline và đến California ăn phở cùng vài bạn thân. Nhưng rồi để giải tỏa cơn ấm ức đó, tôi lên mạng học vài khóa chuyên ngành, chỉ để phát hiện ra mình phải làm bài tập rất nhiều, chẳng có thời gian hờn dỗi nữa. Giáo sư sửa bài cũng tận tình, và có cả cuộc gọi để trao đổi bài sau đó.

Giờ thì tôi thầm nghĩ đó là một điều may mắn (trong sự không may mắn) vì tôi buộc phải học cách làm việc với những mô thức và phương pháp chung mà các đồng nghiệp khắp thế giới cùng tham dự. Tôi vẫn có được trải nghiệm học hành dù không vui vẻ xôm tụ như khi cả lớp cùng gặp nhau đi ăn. Nhưng bạn học chia sẻ với tôi mọi cách để cùng học tập. Giáo sư hướng dẫn tôi vượt qua rào cản của giai đoạn học đầu tiên. Tôi đã ngừng tức giận và tập trung nghe giảng hơn mỗi ngày.

Một người bạn tôi nói: "Còn thời nào tốt hơn để học hơn thời khủng hoảng?" – À đúng vậy, giờ thì kiếm việc khó lắm đây. Vậy đúng lúc này tôi có thể tập trung sức lực học hành, yên tâm xong bài học đi ngủ.

Offline hay online gì cũng được – chẳng ngày nào bị bỏ phí đâu mà.

Nếu bạn sắp bước vào thời sinh viên đại học mê tơi, có thể bạn sẽ đầy thất vọng vì không thể "thoát khỏi nhà" để tung tăng vào đại học – tung tăng đến với cuộc sống trưởng thành tự do. Đừng lo, thời sinh viên sẽ tới. Bạn sẽ có bốn năm dài để định hình và trưởng thành.

Nhưng bây giờ, Covid-19 cho bạn thêm vài tháng ở cạnh cha mẹ. Vài tháng đó, bạn có thể chứng kiến cha mẹ đang dần già đi. Hãy nhìn mắt họ phải đeo kiếng, tay họ gõ phím đã chậm hơn, họ lo âu không ngớt và suy nghĩ nhiều. Rồi bạn sẽ đi xa, và quên mất cha mẹ sẽ già đi. Giờ thì bạn có thời gian để ngắm nhìn điều đó, kịp dành thời gian chơi game cùng cha, hay đi tập thể dục cùng mẹ, hay nấu ăn cho cả nhà – trước khi tung tăng vào đời hoa mộng.

Rồi gom tất cả những điều đó vào tay, thì những ngày giãn cách xã hội đang xảy ra (với một số bạn ở Đà Nẵng) và sự âu lo không ngớt (với toàn bộ chúng ta), thì điều quan trọng nhất bây giờ là sức khỏe thể chất và tinh thần mỗi ngày.

Bạn sẽ không được ngủ 12 tiếng trong cuộc giãn cách xã hội, mà phải tự lôi mình dạy chạy bộ trong nhà. Phải làm đủ mọi thứ để giữ cơ thể khỏe mạnh và không làm tâm trí suy sụp. Hãy tưởng tượng về thế giới. Hãy tập nhảy bằng Youtube. Hãy hát trên Souncloud. Đọc sách cùng nhóm bạn qua Zoom. Chơi xếp giấy cùng nhau trên mạng. Học sáng tác một bài thơ hay khúc nhạc nào đó. Đóng lại chiếc tủ giày đã sập xệ. Sơn lại bức tường trắng đơn điệu trong nhà.

Hãy vẽ ra thế giới của bạn khi thế giới ngoài kia đóng lại.

Tâm trí ta như một khu vườn vô tận, đủ sức trồng vô vàn cây trái và kiến tạo một chiều không gian rực rỡ mới mẻ. Giờ là cơ hội để bạn khám phá khu vườn tâm trí đó, mà không bị cắt ngang bởi cuộc nhậu cuối ngày hay bữa cà phê lê la dang dở ngoài kia.

Đừng sợ nếu bạn sinh ra giữa thời Covid-19. Chúng ta trẻ thế này, thông minh như vậy, sợ gì một khoảng chậm chân. Thế giới vẫn chờ ta trước mặt – dù mọi cánh cửa khép lại sau ngày cách ly.

Nguồn: vnexpress.net
Sưu tầm: Kiều My - Marketing

Tổng giám đốc WHO: Chưa thể loại trừ khả năng Covid-19 rò rỉ...

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15.7 cho biết vẫn còn quá...

Một tuần đi qua

Vậy là đã qua được một tuần cách ly toàn TP.HCM theo chỉ thị 16

Khổ vì giấy xét nghiệm Covid-19

Ngày 5.7, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống...

TP.HCM đề xuất giám sát người cách ly tại nhà bằng thiết bị...

Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM về...

Không 'đóng cửa' nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào...

TP.HCM không đóng cửa hay phong tỏa nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào...

TP.HCM: Chiến dịch tiêm 836.000 liều vắc xin Covid-19 kết thúc hôm...

Tính đến hết ngày 29.6, TP.HCM đã tiêm trên 805.000 liều vắc xin Covid-19 trong...

Tại sao 'gánh' dịch, kinh tế vẫn tăng trưởng gấp ba cùng kỳ

Con số GDP 6 tháng tăng 5,64% khiến giới phân tích bất ngờ bởi 2 quý vừa qua,...

Đề nghị Astra Zeneca chuyển cho Việt Nam 10 triệu liều vaccine

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Công ty AstraZeneca tạo mọi điều kiện thuận...

Dịch Covid-19 lan mạnh: Không thi mà xét tốt nghiệp, trường ĐH...

Trước những mong muốn của thí sinh, phụ huynh tổ chức xét tốt nghiệp thay vì...

Dịch vẫn lan nhanh, TP.HCM cần thêm 'thuốc mới'?

Số ca nhiễm tại TP.HCM vẫn tăng lên, ở mức 3 con số mỗi ngày, dù đa số ở...

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Người dân TP.HCM hãy tuân...

Theo TS Kidong Park, vai trò của vắc xin trong việc kiểm soát ổ dịch cấp tính còn...

Copyright © 2021 sapuwa.com