THÔNG TIN SƯU TẦM

Mất ngủ hậu Covid-19


Mỗi buổi tối, Sara Tibebu ngâm mình trong nước ấm, bật các bản nhạc nhẹ nhàng, tập thiền theo video để điều trị chứng mất ngủ.

Cô trả tiền cho các buổi trị liệu trực tuyến, song tình trạng vẫn chưa được cải thiện. Tuyệt vọng, nhà văn 36 tuổi đã hái và sấy khô hoa oải hương đặt bên trong gối của mình. Nhưng hàng đêm, cô vẫn thức trắng, nhìn lên trần nhà cho tới 2 giờ sáng với mong muốn có một giấc ngủ ngon.

"Thiếu ngủ khiến tôi phát điên", cô nói. Tình trạng làm cô trở nên ám ảnh với bất cứ điều gì, từ cách phản ứng của Mỹ trong đại dịch đến các giai đoạn đau khổ của đời sống tình cảm.

Bên cạnh tổn hại về thể chất, Covid-19 còn tàn phá cả đời sống tinh thần của nhiều người, như Sara. Trong đó, biểu hiện phổ biến là "chứng mất ngủ", có thể dẫn đến bệnh đau dạ dày mạn tính, mệt mỏi, thiếu năng lượng, cao huyết áp, trầm cảm và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Các chuyên gia cho biết kinh tế eo hẹp, thiếu giao tiếp xã hội cộng thêm thời gian trông con kéo dài do giãn cách khiến người dân quá tải. Tin tức về Covid-19, khủng hoảng hậu dịch bệnh dưới ánh sáng xanh của màn hình điện thoại làm nhiều người không thể chợp mắt.

"Những bệnh nhân từng bị mất ngủ, rối loạn lo âu càng khó vào giấc bởi cảm giác hoảng sợ. Họ gặp phải nhiều vấn để hơn. Những cơn ác mộng xảy ra ngày một thường xuyên. Hậu Covid-19, chúng ta đối mặt với đại dịch khác là mất ngủ", ông Alon Avidan, chuyên gia thần kinh tại Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ UCLA, nhận định.


Người dân thành phố Seoul, Hàn Quốc đi bộ vào ban đêm, tháng 6/2020. Ảnh: Bloomberg

 

Trước Covid-19, thiếu ngủ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồn tại âm ỉ. Khoảng 10-15% người dân thế giới bị bệnh mất ngủ kinh niên, phải vật lộn để vào giấc ít nhất ba đêm một tuần. Tình trạng kéo dài khoảng ba tháng hoặc lâu hơn. Những bất ổn như thiên tai hoặc tấn công khủng bố là nguyên nhân chính. Song theo các chuyên gia, tác động sâu rộng chưa từng có, tính chất kéo dài của đại dịch đã làm tăng tỷ lệ mất ngủ mạn tính, khó điều trị hơn nhiều.

"Mất ngủ không phải một bệnh lý lành tính. Tác động của nó đối với chất lượng cuộc sống rất lớn. Chúng ta đã nghe rất nhiều về tầm quan trọng của việc tập thể dục và chế độ ăn uống, nhưng giấc ngủ là ‘chân kiềng thứ ba’ của một sức khỏe bền vững", Charles M. Morin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ tại Đại học Laval ở Quebec, nhấn mạnh.

Ông Morin đang dẫn đầu một dự án đo lường tác động của Covid-19 đối với giấc ngủ tại 15 quốc gia. Nghiên cứu vẫn tiếp diễn, song đã có một số bằng chứng cho thấy tác động xấu của nó đối với tâm thần. Theo cơ quan quản lý phúc lợi dược phẩm Express Scripts, số đơn thuốc ngủ tại Mỹ từ tháng 2 đến giữa tháng 3 đã tăng 15%. Ở Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ UCLA, số bệnh nhân phàn nàn về chứng mất ngủ đã tăng 20-30%, phần nhiều là trẻ em.

Nghiên cứu đăng tải trên trang Science Direct cho thấy khoảng 20% số người tham gia bị mất ngủ hoặc ngủ ít trong thời gian đại dịch. Điều này khiến họ không còn cảm giác đối với ngày, tuần và thời gian nói chung.

Orfeu M. Buxton, chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Bang Pennsylvania, cho biết: "Mặc dù các cuộc khảo sát như vậy không mạnh về mặt phương pháp, nhưng chúng cung cấp dấu hiệu quan trọng (về tình trạng mất ngủ), đặc biệt khi kết quả nhất quán ở nhiều quốc gia".

"Theo đúng nghĩa đen, não chúng ta phát triển các tế bào chuyên biệt phản ứng với những mối đe dọa hiện hữu. Giờ thì chúng đang chồng chéo lên nhau, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Nỗi kinh hoàng này là có thật", ông giải thích thêm.

Đây cũng là cảm giác mà Cheryl Ann Schmidt phải trải nghiệm khi bà nằm xuống mỗi đêm hoặc cố gắng ngủ trưa. Người phụ nữ 64 tuổi, sống tại East Lansing, cho biết: "Tôi hiểu tình trạng này. Như thể nếu ngủ, tôi sẽ chẳng bao giờ tỉnh dậy nữa, có điều gì đó khủng khiếp đang xảy đến với thế giới".

Cơn buồn ngủ thường ập đến khi bà trở về nhà sau giờ làm việc kéo dài tại công ty Styrofoam. Tất cả trở nên tồi tệ hơn khoảng một tháng trước, khi bà buộc phải thôi việc. Trong hai tuần chờ đợi bảo hiểm Medicare gia hạn, bà không ra khỏi nhà vì sợ thương tật hoặc nhiễm bệnh.

Schmidt giờ đây thức trắng vì lo lắng cho vấn đề tài chính và kế hoạch nghỉ hưu. Sau đó, bà tự cảm thấy tội lỗi khi nghĩ rằng nhiều người trên thế giới còn đang chết dần vì Covid-19. Hầu như đêm nào bà cũng thao thức trong bóng tối, chờ tiếng của tờ nhật báo rơi trước cửa ra vào lúc 4h30 sáng. Đó là lúc bà cho phép mình rời giường, tiếp tục đọc tin tức về những cuộc khủng hoảng hậu đại dịch trên bàn ăn.


Bà Cheryl Ann Schmidt, 64 tuổi, chịu cảm giác mất ngủ hàng đêm. Ảnh: Washington Post

Căng thẳng và mất ngủ thời Covid-19 trầm trọng đến nỗi, Abhinav Singh, giám đốc Trung tâm Giấc ngủ Indiana, đặt ra một thuật ngữ để giải thích nó: "FED UP" (chán chường). Đây là cụm từ viết tắt của áp lực tài chính (Financial stress), căng thẳng về cảm xúc (Emotional stress), cách ly (Distance from others), vô định (Unpredictability) và mối bận tâm về công việc, quan hệ cá nhân (Personal and professional concerns).

Nhiều người đến gặp bác sĩ để xin đơn thuốc, song chúng chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn. Các chuyên gia không khuyến khích lạm dụng thuốc nếu bị mất ngủ kinh niên.

Norah Simpson, chuyên gia tâm lý học lâm sàng tại Chương trình Sức khỏe Giấc ngủ của Đại học Stanford, cho biết một trong những cách điều trị hiệu quả là "liệu pháp nhận thức - hành vi". Liệu pháp bao gồm nhiều bài tập như kích thích - kiềm chế, ngủ hạn chế, thư giãn, nhận thức và vệ sinh giấc ngủ. Song rất ít bác sĩ tâm lý được đào tạo về lĩnh vực này. Các chi phí đôi khi cũng vượt ngoài phạm vi bảo hiểm.

Giới chuyên gia cho biết ngay cả khi không có sự trợ giúp của bác sĩ, người mắc chứng mất ngủ vẫn có thể thực hiện một số cách để cải thiện tình trạng của mình. Những thói quen quan trọng bao gồm kiêng dùng đồ điện tử ít nhất một giờ trước khi ngủ và tiếp xúc với ánh mặt trời vào khoảng 8 giờ sáng.

Ông Norah Simpson cho biết người dân cũng nên thay đổi thói quen đọc tin tức.

"Theo dõi những thông tin gây lo lắng từ một đến hai giờ trước khi đi ngủ có thể tác động tiêu cực đến giấc ngủ của bạn", ông nói.

 

Nguồn: vnexpress.net
Sưu tầm: Kiều My - Marketing

 

Tổng giám đốc WHO: Chưa thể loại trừ khả năng Covid-19 rò rỉ...

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15.7 cho biết vẫn còn quá...

Một tuần đi qua

Vậy là đã qua được một tuần cách ly toàn TP.HCM theo chỉ thị 16

Khổ vì giấy xét nghiệm Covid-19

Ngày 5.7, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống...

TP.HCM đề xuất giám sát người cách ly tại nhà bằng thiết bị...

Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM về...

Không 'đóng cửa' nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào...

TP.HCM không đóng cửa hay phong tỏa nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào...

TP.HCM: Chiến dịch tiêm 836.000 liều vắc xin Covid-19 kết thúc hôm...

Tính đến hết ngày 29.6, TP.HCM đã tiêm trên 805.000 liều vắc xin Covid-19 trong...

Tại sao 'gánh' dịch, kinh tế vẫn tăng trưởng gấp ba cùng kỳ

Con số GDP 6 tháng tăng 5,64% khiến giới phân tích bất ngờ bởi 2 quý vừa qua,...

Đề nghị Astra Zeneca chuyển cho Việt Nam 10 triệu liều vaccine

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Công ty AstraZeneca tạo mọi điều kiện thuận...

Dịch Covid-19 lan mạnh: Không thi mà xét tốt nghiệp, trường ĐH...

Trước những mong muốn của thí sinh, phụ huynh tổ chức xét tốt nghiệp thay vì...

Dịch vẫn lan nhanh, TP.HCM cần thêm 'thuốc mới'?

Số ca nhiễm tại TP.HCM vẫn tăng lên, ở mức 3 con số mỗi ngày, dù đa số ở...

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Người dân TP.HCM hãy tuân...

Theo TS Kidong Park, vai trò của vắc xin trong việc kiểm soát ổ dịch cấp tính còn...

Copyright © 2021 sapuwa.com