THÔNG TIN SƯU TẦM

Bịt lỗ hổng từ bệnh viện ra sao?


Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nếu đi nước ngoài hoặc tiếp xúc vùng dịch phải qua khu khám sàng lọc COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Lý do là những bệnh nhân tính từ 25-7 đến nay, hầu hết họ có thời gian chữa bệnh, đi thăm hoặc chăm nuôi người bệnh ở bệnh viện. Vì là đối tượng đặc thù nên sau khi đồng nhiễm COVID-19, nhiều bệnh nhân biến chứng rất xấu, ngày 30-7 đã có một bệnh nhân (điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) có biến chứng ngưng tim, 2 bệnh nhân đã phải sử dụng ECMO (tim phổi ngoài cơ thể) và sắp tới con số này có thể tăng thêm 1-2 bệnh nhân.

Khu vực có nguy cơ rất cao

Nhiều bệnh nhân đi lòng vòng nhiều bệnh viện, có dấu hiệu lâm sàng nhưng vì sao không được xét nghiệm COVID-19? Đó là vấn đề được đặt ra trong vài ngày qua khi có tình trạng bệnh nhân đi qua 3-4 bệnh viện, bệnh cảnh diễn biến rất nặng nhưng không được xét nghiệm sớm và khi được xét nghiệm thì nguy cơ đã lây lan rất rộng, thậm chí phải phong tỏa bệnh viện.

Đơn cử trường hợp bệnh nhân 456 (55 tuổi, ở Đà Nẵng) là trường hợp có yếu tố dịch tễ (đến Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc bạn bị bệnh từ 9-7, đến 24-7 khi bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, đi khám tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu thì được chẩn đoán là sốt siêu vi và cho điều trị ngoại trú). Xin nhắc lại là thời điểm này Đà Nẵng đã có bệnh nhân có dấu hiệu mắc COVID-19 và có xét nghiệm dương tính 2 lần tại Đà Nẵng.

Đến 28-7, sau nhiều ngày dùng thuốc không cải thiện, bệnh nhân đến tái khám tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, được xét nghiệm COVID-19, trong khi chờ kết quả bệnh nhân đến bệnh viện tư ở Đà Nẵng và được chẩn đoán theo dõi viêm phế quản phổi và được cho điều trị ngoại trú. 

Thời điểm này, Đà Nẵng đã ghi nhận nhiều bệnh nhân, đã có những bệnh nhân nặng, việc cho một người có yếu tố dịch tễ về nhà là rất đáng quan ngại. Và ngay trưa hôm sau, bệnh biến chuyển nặng, bệnh nhân vào bệnh viện kể trên cấp cứu, cùng lúc có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Nói vậy để thấy mặc dù bệnh viện là khu vực nguy cơ rất cao và tình hình ở Đà Nẵng đã nóng lên từ 25-7, nhưng đến 28-7 vẫn có tình trạng "lọt" bệnh nhân dương tính.

Trong những ngày này, Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận, thậm chí TP.HCM, Hà Nội đều có thể ghi nhận thêm bệnh nhân từ những người vào thăm khám như thế này, nhưng nếu không phân luồng, cách ly, có chỉ định hợp lý ngay từ đầu, nguy cơ lọt bệnh nhân và kéo theo đó là nguy cơ lây lan vẫn có thể xảy ra.

Trao đổi với báo chí ngày 30-7, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết đã chấn chỉnh ngay tình trạng kể trên. Ông Khuê cho biết bệnh viện là nơi có thể phát hiện sớm bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng. 

Những người có yếu tố dịch tễ như từng đến nơi bệnh nhân đã đến (theo dõi thông báo khẩn của Bộ Y tế để xác định điểm đến này), từng đi Đà Nẵng từ 8-7 theo cách xác định của Hà Nội, hoặc có sốt, ho... cần được phân luồng khám riêng và chỉ định xét nghiệm. 

Chi phí xét nghiệm của những người này nếu có bảo hiểm sẽ được bảo hiểm chi trả. Như vậy bệnh viện sẽ chủ động mua test thử để xét nghiệm một cách chủ động, thay vì phải đợi được phát. Cách này sẽ giúp tăng số người được xét nghiệm.


Từ sáng sớm 30-7, nhiều người đã đến nộp giấy đề nghị xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, song chỉ có 40 người được xét nghiệm, nhiều người phải ra về vì hết suất - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sàng lọc bệnh nhân ngay từ đầu

Bệnh viện Ung bướu là một trong những bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ các tỉnh thành đến điều trị. TS.BS Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc bệnh viện, cho biết ngay khi bệnh viện biết thông tin ở Đà Nẵng có ca nhiễm COVID-19, bệnh viện đã khởi động lại quy trình tiếp đón và sàng lọc bệnh nhân để phòng, phát hiện bệnh COVID-19. 

Bệnh viện đã xem xét lại 2 phòng sàng lọc và 1 phòng cách ly gồm 3 giường bệnh. Bệnh viện cũng dán ngay thông báo quy trình tiếp nhận bệnh nhân từ Đà Nẵng đến bệnh viện khám bệnh.

Cụ thể, tất cả bệnh nhân đến từ Đà Nẵng khi đến bệnh viện khám bệnh đều phải qua phòng sàng lọc. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiếp tục phân loại bệnh nhân. Qua thăm khám, nếu bệnh nhân từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID-19, nhân viên bệnh viện sẽ báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP để đưa bệnh nhân đi cách ly, xét nghiệm COVID-19. 

Với bệnh nhân từ Đà Nẵng về có triệu chứng ho, sốt, khó thở, suy hô hấp, bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu sẽ hội chẩn ngay với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP để chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. 

Với những bệnh nhân từ Đà Nẵng về mà không có triệu chứng kể trên, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, đồng thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP biết thông tin về bệnh nhân này, bệnh nhân cách ly tại nhà và được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. 

Trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng cần phải nhập viện, bệnh nhân sẽ được đưa đến điều trị tại phòng cách ly của bệnh viện. Hiện nay, phòng cách ly này có 3 giường bệnh nhưng nếu bệnh viện tiếp nhận số bệnh nhân này nhiều hơn, bệnh viện sẵn sàng mở rộng thêm giường bệnh.

Với những bệnh nhân từ nước ngoài về đến Bệnh viện Ung bướu khám, điều trị bệnh đều phải qua phòng sàng lọc. Tại đây, những bệnh nhân này sẽ được khai báo y tế, tìm hiểu xem bệnh nhân này đã từ nước ngoài về lâu chưa, đã được cách ly hay chưa... 

Ngoài ra, tất cả bệnh nhân khi đến bệnh viện khám đều bắt buộc phải đeo khẩu trang, được khai báo y tế, đo nhiệt độ, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào bệnh viện.


Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly tại một địa điểm cố định, có xe đưa đón vào trong khu phong tỏa ở bệnh viện để chạy thận theo lịch trình - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong thời gian từ ngày 1-7 đến nay, Bệnh viện Ung bướu có 32 nhân viên y tế đi từ Đà Nẵng về. Những nhân viên này đều được bệnh viện bắt buộc cách ly tại nhà, liên hệ với y tế địa phương để được làm xét nghiệm COVID-19. Khi có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, những nhân viên này mới được quay trở lại bệnh viện làm việc.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Q.2, nhận định hiện nay dịch bệnh COVID-19 đã lây lan trong cộng đồng nên giai đoạn này phòng chống dịch COVID-19 khó khăn hơn. Ngay khi biết thông tin Đà Nẵng có những ca nhiễm COVID-19 lây lan từ cộng đồng, hiện bệnh viện chia ra hai cửa ra vào, một cổng đi vào dành riêng cho nhân viên y tế, một cổng đi vào dành riêng cho bệnh nhân đến khám, điều trị. 

Bệnh nhân đến khám đều được đo thân nhiệt bằng đèn hồng ngoại, bệnh nhân phải đeo khẩu trang khi vào khám bệnh, sát khuẩn tay... Những bệnh nhân đi từ vùng dịch tễ về sẽ được vào phòng sàng lọc khám.

Tại đây, bệnh nhân được khai báo y tế, tùy tình hình của từng bệnh nhân sẽ được cách ly tại khu cách ly tập trung của quận hay cách ly tại nhà... Hiện bệnh viện chỉ cho thân nhân bệnh nhân vào nuôi bệnh nhân chứ không cho người đến thăm bệnh nữa.

Số bệnh nhân nặng tăng nhanh

Đến cuối ngày 30-7, có thêm 13 ca bệnh COVID-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Hà Nội, nâng số bệnh nhân tính từ 25-7 đến nay lên 48 người và sẽ còn tăng mạnh trong một vài ngày tới.

Sáng 30-7, tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã tổ chức phiên hội chẩn thứ 5, điều đáng lo ngại là số bệnh nhân nặng tăng nhanh. Báo cáo cuối ngày của tiểu ban cho biết trong số 95 bệnh nhân đang điều trị tại 18 cơ sở khám chữa bệnh, có đến 15 trường hợp có diễn biến nặng và tất cả đều mới ghi nhận từ Đà Nẵng hoặc có liên quan tới Đà Nẵng, trong đó có 8 ca trong số này tiên lượng rất nặng, không loại trừ có trường hợp có nguy cơ tử vong cao.

Tại phiên họp sáng 30-7, tổ trưởng tổ chuyên gia điều trị bệnh nhân nặng, GS Nguyễn Gia Bình cho biết cần sớm tập trung hướng dẫn đến các bệnh viện ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… đều có thể điều trị cho bệnh nhân COVID-19, không thể cứ ca nặng là chuyển ra Huế vì cứ chuyển có lúc Huế cũng quá tải.

Huy động nhân lực "chia lửa" cho Đà Nẵng

Với tình hình số lượng bệnh nhân nặng tăng cao, mỗi ngày sẽ có một cuộc hội chẩn, bên cạnh một tổ thường trực chống dịch đặt ngay tại Đà Nẵng (đã được quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký quyết định tối 30-7). Tổ này vừa được bổ sung thêm chuyên gia và khoảng 800 sinh viên y khoa các trường, được đặt dưới sự chỉ huy của PGS.TS Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Đây cũng là vấn đề được ông Nguyễn Thanh Long đặt ra trong cuộc trao đổi với báo chí chiều tối 30-7. Theo ông Long, năng lực xét nghiệm của toàn quốc khoảng 31.000 mẫu/ngày, những ngày vừa qua Đà Nẵng đã đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm: ngày 29-7 trên 7.000 mẫu, ngày 30-7 trên 7.000 mẫu, nguyên tắc của hoạt động chống dịch là cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và dập dịch. VN đã làm tốt ở giai đoạn 1 và 2 của dịch, đây là giai đoạn 3, làm sớm thì sớm yên.

Đà Nẵng: bảo vệ bác sĩ, "san sẻ" bệnh nhân

Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 30-7 để tập trung phòng chống COVID-19. Ca bệnh 449 là người nước ngoài từng điều trị tại đây trước khi chuyển vào TP.HCM - Ảnh: TẤN LỰC

Do đều là các bệnh viện tuyến cuối nên một sức ép kinh khủng đang đè nặng lên ngành y tế địa phương này. Đây là một thách thức không nhỏ khi vừa phải đảm bảo công tác khám chữa bệnh thông thường và chống dịch bệnh.

Ngay rạng sáng 30-7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã cho dừng hoàn toàn việc tiếp nhận bệnh nhân vào viện. Trong sáng cùng ngày, đại diện bệnh viện này cho biết sẽ lấy mẫu xét nghiệm với tất cả nhân viên theo hình thức cuốn chiếu từng khoa phòng, bắt đầu từ những nơi có nguy cơ cao nhất theo điều tra dịch tễ.

Những ngày qua, ngoài việc đưa người nhà và bệnh nhân Bệnh viện Đà Nẵng đến các khu cách ly và bệnh viện, ngành y tế Đà Nẵng cũng tổ chức đưa các nhân viên y tế đi cách ly bên ngoài để giãn cách, giảm nguy cơ lây nhiễm. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch sáng 30-7, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận định tình hình Bệnh viện Đà Nẵng đang có tiến triển tốt ngay sau giảm áp lực bệnh nhân.

Ông Thơ yêu cầu các đơn vị chức năng cần tăng cường siết chặt cách ly trong bệnh viện, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Ông Thơ cũng cho biết đã chuẩn bị 9 khách sạn để cách ly du khách và nhân viên y tế, yêu cầu ngành y tế phải có biện pháp để bảo vệ sức khỏe của các y bác sĩ bằng mọi cách.

Riêng đối với nhóm bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng, Sở Y tế dự kiến sẽ chuyển các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo về Trung tâm y tế huyện Hòa Vang. "Có gần 300 người trong và ngoài Đà Nẵng đang chạy thận tại bệnh viện. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương do có các bệnh nền. Để giảm các nguy cơ lây nhiễm, trong những ngày tới sẽ chuyển máy móc đến địa điểm an toàn để điều trị lâu dài" - một bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng thông tin.

Hiện nay, ngoài các tổ công tác của Bộ Y tế chi viện vào Đà Nẵng để hỗ trợ chuyên môn về phòng chống dịch, TP Đà Nẵng cũng có công văn gửi các địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế hỗ trợ năng lực điều trị bệnh nhân ở thành phố. Trong ngày 30-7, một số ca nhiễm COVID-19 nặng cũng đã được chuyển từ Đà Nẵng về Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục điều trị.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Hùng, giám đốc điều hành Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng, chia sẻ: "Chúng tôi là một trong số rất ít những bệnh viện còn trụ được. Giờ phút này, chúng tôi không còn được phép chỉ lo nghĩ đến sự an nguy của mình nữa. Chúng tôi sẽ giữ lại những ca nghi ngờ, thậm chí sẽ phải sẵn sàng cho thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 để chia lửa với thành phố. Hiện tất cả nhân lực của bệnh viện này đã được huy động để túc trực 24/7".

Có tới 7 bệnh viện ở Đà Nẵng liên quan đến các ca nhiễm COVID-19 theo khai báo dịch tễ, trong đó đã có 3 bệnh viện bị phong tỏa, 1 bệnh viện tạm dừng đón bệnh nhân.


Huế sẵn sàng chi viện nhân lực

Chiều 30-7, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, hiệu trưởng Trường ĐH Y dược - ĐH Huế, cho biết nhà trường đang làm việc với Sở Y tế TP Đà Nẵng nhằm thống nhất phương án hỗ trợ nhân lực chống dịch. Sau khi có công văn của Bộ Y tế đồng ý, Trường ĐH Y dược - ĐH Huế sẽ lập danh sách cán bộ, sinh viên tình nguyện vào tuyến đầu hỗ trợ chống dịch COVID-19 ở Đà Nẵng.

Nguồn: tuoitre.vn
Sưu tầm: Kiều My - Marketing

Tổng giám đốc WHO: Chưa thể loại trừ khả năng Covid-19 rò rỉ...

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15.7 cho biết vẫn còn quá...

Một tuần đi qua

Vậy là đã qua được một tuần cách ly toàn TP.HCM theo chỉ thị 16

Khổ vì giấy xét nghiệm Covid-19

Ngày 5.7, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống...

TP.HCM đề xuất giám sát người cách ly tại nhà bằng thiết bị...

Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM về...

Không 'đóng cửa' nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào...

TP.HCM không đóng cửa hay phong tỏa nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào...

TP.HCM: Chiến dịch tiêm 836.000 liều vắc xin Covid-19 kết thúc hôm...

Tính đến hết ngày 29.6, TP.HCM đã tiêm trên 805.000 liều vắc xin Covid-19 trong...

Tại sao 'gánh' dịch, kinh tế vẫn tăng trưởng gấp ba cùng kỳ

Con số GDP 6 tháng tăng 5,64% khiến giới phân tích bất ngờ bởi 2 quý vừa qua,...

Đề nghị Astra Zeneca chuyển cho Việt Nam 10 triệu liều vaccine

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Công ty AstraZeneca tạo mọi điều kiện thuận...

Dịch Covid-19 lan mạnh: Không thi mà xét tốt nghiệp, trường ĐH...

Trước những mong muốn của thí sinh, phụ huynh tổ chức xét tốt nghiệp thay vì...

Dịch vẫn lan nhanh, TP.HCM cần thêm 'thuốc mới'?

Số ca nhiễm tại TP.HCM vẫn tăng lên, ở mức 3 con số mỗi ngày, dù đa số ở...

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Người dân TP.HCM hãy tuân...

Theo TS Kidong Park, vai trò của vắc xin trong việc kiểm soát ổ dịch cấp tính còn...

Copyright © 2021 sapuwa.com